Số hóa là giải pháp cấp thiết trong giáo dục
Cập nhật ngày:16/10/2020 - 11:04:00
Ưu tiên cấp bách hàng đầu hiện nay là phải đổi mới giáo dục thông qua chuyển đổi kỹ thuật số để giảm thiểu gián đoạn giáo dục trong tương lai.
Hội nghị “Chuyển đổi kỹ thuật số các hệ thống giáo dục trong toàn Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á".

Sáng 15/10, Bộ GD&ĐT phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) và Ban Thư ký ASEAN tổ chức hội nghị trực tuyến "Chuyến đổi kỹ thuật số các hệ thống giáo dục trong toàn Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á".

Đây là sáng kiến của Bộ GD&ĐT Việt Nam, với mục tiêu ghi nhận sự cần thiết phải phát triển kỹ năng số, kỹ năng có thể chuyển giao trong hệ thống giáo dục ASEAN, chia sẻ thực tiễn tốt và nêu bật thách thức; thiết lập đồng thuận giữa các quốc gia thành viên ASEAN để tìm ra giải pháp bền vững, sáng tạo, nhằm tích hợp kỹ năng thông thạo kỹ thuật số cùng kỹ năng có thể chuyển giao trong các hệ thống giáo dục, đồng thời xác định lĩnh vực các quốc gia thành viên và đối tác cùng nghiên cứu và hợp tác.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, hơn hai tháng trước, hội nghị Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA) với chủ đề Đối tác Nghị viện về Hợp tác Giáo dục và Văn hóa đã kết luận, ưu tiên cấp bách hàng đầu hiện nay là phải đổi mới giáo dục thông qua chuyển đổi kỹ thuật số để giảm thiểu gián đoạn giáo dục trong tương lai. Chính vì vậy, chúng ta cần thiết lập một nền tảng chung để chia sẻ tài nguyên kỹ thuật số nhằm thu hẹp khoảng cách tiếp cận giáo dục do chênh lệch công nghệ trong khu vực gây ra.

Tiến bộ không ngừng về công nghệ cùng nguồn thông tin khiến năng lực kỹ thuật số trở nên cần thiết đối với mỗi học sinh, vì vậy, một phần chính trong thảo luận tại Hội nghị là làm thế nào phát triển năng lực kỹ thuật số cho thế hệ trẻ.

Năng lực kỹ thuật số ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập, hỗ trợ khả năng tìm kiếm tài liệu học tập, kết nối kiến thức. Bộ kỹ năng này rất có giá trị, giúp thúc đẩy năng lực sáng tạo vượt ra ngoài môi trường lớp học hoặc trường học thông thường, và phải là ưu tiên hàng đầu, ngay từ cấp học đầu tiên.

Học sinh và giáo viên cần được tiếp cận không hạn chế ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối, khai thác, tận dụng tri thức của nhân loại. Để làm được điều này, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ giảng dạy, quản lý phải được phát triển trong trường học, nơi mỗi học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý đều có quyền, khả năng khai thác, sử dụng hệ thống. Nhiệm vụ của chúng ta là tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình này, đồng thời thiết lập một nền tảng chung để chia sẻ tài nguyên kỹ thuật số nhằm thu hẹp khoảng cách tiếp cận giáo dục do chênh lệch công nghệ trong khu vực gây ra.

Nhật Nam

Cổng thông tin điện tử Chính phủ