Tư vấn khởi nghiệp cho gần 10.000 sinh viên khu vực phía nam
Cập nhật ngày:01/03/2019 - 16:25:00

Trong 5 năm qua (2013-2018), Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Khởi nghiệp phía nam (thuộc VCCI) đã tổ chức được 57 lớp học khởi sự kinh doanh dành cho sinh viên, tổ chức gần 20 buổi giao lưu với doanh nhân thành đạt. Gần 10.000 sinh viên, thanh viên khu vực phía nam đã được hưởng lợi từ chương trình này.

Ảnh: VGP/Minh Thi

Nhằm thực hiện tốt chủ trương xây dựng một quốc gia khởi nghiệp của Đảng, Nhà nước và Đề án “Hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp đến năm 2015” của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt theo Quyết định số 1665/QĐ-TTg, Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Khởi nghiệp phía nam được thành lập từ năm 2013 để hiện thực hóa mục tiêu khởi nghiệp cho thế hệ trẻ tại khu vực phía nam.

Với mục tiêu xây dựng đội ngũ giảng viên nguồn để giảng dạy chương trình khởi nghiệp quốc gia (TOT) của VCCI, Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Khởi nghiệp phía nam đã phát triển đội ngũ giảng viên theo tiêu chí nâng cao kiến thức và kỹ năng giảng dạy cho đội ngũ giảng viên, giảng dạy chương trình khởi nghiệp để từ đó nâng cao chất lượng các khóa đào tạo khởi nghiệp dành cho sinh viên, thanh niên khu vực phía nam.

Cụ thể, nội dung và phương pháp đào tạo các lớp TOT được chuyển giao từ chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Cộng hòa Liên bang Đức cho Chính phủ Việt Nam trên cơ sở biên soạn bổ sung cho phù hợp với nền kinh tế, văn hóa, xã hội tại Việt Nam.

Đến nay, Hội đồng có 55 thành viên, trong đó 40% thành viên là doanh nhân, 60% là thành viên là giảng viên các trường đại học, cao đẳng; một phó giáo sư; 6 tiến sĩ, 30 thạc sĩ, còn lại đều là cử nhân.

Từ năm 2013 đến năm 2018, Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ khởi nghiệp khu vực phía nam và Cơ quan đại diện phía nam Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức được 9 lớp TOT có hơn 350 học viên lớp học, trong đó 7 lớp TOT cơ bản; một lớp TOT năng cao và một lớp TOT cao cấp. Những học viên này đã và đang tham gia vào việc đào tạo chương trình khởi nghiệp cho sinh viên tại đơn vị công tác và phụ nữ thanh niên ở các quận huyện TPHCM.

Trong 5 năm qua, Hội đồng đã tổ chức 57 lớp học khởi sự kinh doanh dành cho sinh viên, tổ chức gần 20 buổi giao lưu với doanh nhân thành đạt. Hơn 9.000 sinh viên thanh viên khu vực phía nam đã được hưởng lợi từ chương trình này. Các thành viên Hội đồng đã cống hiến hơn 3.000 giờ làm việc thiện nguyện cho chương trình khởi nghiệp. Các doanh nhân trong Hội đồng đã đóng góp hơn 1 tỷ đồng và vận động các đơn vị đối ứng hơn 2 tỷ đồng để tổ chức các hoạt động khởi nghiệp.

Đặc biệt, Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Khởi nghiệp phía nam đã hướng dẫn sinh viên viết dự án kinh doanh tham dự cuộc thi khởi nghiệp Quốc gia do VCCI tổ chức. Kết quả, đã đạt được giải 3 năm 2014, giải Nhất năm 2015, giải Nhì và giải Ba năm 2017.

Điển hình trong năm 2018, Hội đồng đã phối hợp các đơn vị tổ chức 35 hoạt động khởi nghiệp, trong đó 8 lớp đào tạo TOT nâng cao nghiệp vụ; 17 lớp đào tạo khởi nghiệp kinh doanh dành cho sinh viên; 5 buổi giao lưu với doanh nhân và 7 cuộc thi khởi nghiệp. Các hoạt động này đã thu hút 4.943 sinh viên tham dự.

Để phát triển mạnh hơn nữa, nhằm nâng cao vai trò và vị trí của Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Khởi nghiệp phía nam đối với chương trình khởi nghiệp quốc gia, từ đó khơi gợi mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp cho thế hệ trẻ tại phía nam, Hội đồng đã xây dựng chiến lược phát triển từ năm 2019-2014.

Cụ thể, sẽ mở rộng đối tượng đào tạo khởi sự kinh doanh đến thanh niên, phụ nữ, doanh nghiệp SME; đào tạo đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; chú trọng đẩy mạnh và chuyên nghiệp hoạt động Mentoring; đào tạo kiến thức và tập huấn kỹ năng ứng dụng các công cụ quản trị vào doanh nghiệp; giao lưu chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp cho nhiều cộng đồng.

Đồng thời, thành lập các chi nhánh của hội đồng tại các khu vực thuộc các tỉnh thành phía nam theo hướng cụ thể hóa các lĩnh vực hoạt động logistics, thực phẩm, du lịch, thương mại điện tử. Tiếp đến sẽ thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm của Hội đồng, phát triển số lượng và chuẩn hóa chất lượng đội ngũ giảng viên nguồn và Menter song song với tổ chức cập nhật kiến thức mới về khởi ngiệp và đổi mới sáng tạo cho giảng viên nguồn.

Bên cạnh đó, gắn quá trình khởi nghiệp với hoạt động thực tiễn, Hội đồng sẽ chú trọng hợp tác với các vườn ươm để hỗ trợ không gian làm việc và đào tạo tăng tốc cho các dự án; quan hệ đối tác chiến lược với các quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước nhằm kết nối đầu tư vào các dự án sau giai đoạn ươm tạo. /.

Minh Thi

Cổng thông tin điện tử Chính phủ