Nguồn nhân lực số tương lai: Những gợi mở và cơ hội trong ngành STEM
Cập nhật ngày:14/03/2019 - 17:02:00

Đây là chủ đề của Hội nghị Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học Việt Nam thường niên lần thứ 7 (STEMCON Việt Nam) diễn ra trong hai ngày 14-15/3 tại TP. Đà Nẵng.

Hình ảnh tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Chương trình do Đại học Bang Arizona phối hợp với Đại học Mỹ tại Việt Nam và Đại học Bách Khoa-Đại học Đà Nẵng tổ chức.

Với chủ đề: “Nguồn nhân lực số tương lai: Những gợi mở và cơ hội trong ngành STEM”, hội nghị thu hút trên 500 đại biểu tham dự là lãnh đạo các doanh nghiệp, giới học thuật và đại diện cơ quan Chính phủ.

Hội nghị diễn ra với các phiên thảo luận, hội thảo giữa các đại biểu theo nhiều chủ đề khác nhau: Phiên tọa đàm giữa các lãnh đạo khối doanh nghiệp và giáo dục với chủ đề: “Tái thiết kế nguồn nhân lực trong giáo dục STEM: Kêu gọi hợp tác công-tư phối hợp hành động”; tọa đàm về cải tiến EdTech: “Trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và phương pháp học tập trải nghiệm kỹ thuật số: Xây dựng cách tiếp cận lấy người học làm trung tâm ở phạm vi rộng”; tọa đàm: “Mở rộng phạm vi tham gia ngành STEM: Thu hẹp khoảng cách về giới”; tham luận giải thưởng Pearson về đổi mới phương pháp giảng dạy cho giảng viên...

Tại hội nghị các đại biểu cùng chia sẻ những thách thức và cơ hội trong nền kinh tế số, các xu hướng về lực lượng lao động, các chính sách giáo dục và các mô hình học tập đổi mới dành cho Việt Nam.

Bà Uyên Hồ, Giám đốc đối ngoại, Intel Việt Nam và Malaysia nhận định: Đây là thời điểm rất quan trọng để các sự kiện như STEMCON Việt Nam quy tụ các cá nhân và tổ chức cùng nhau thảo luận về các thách thức, cơ hội và chiến lược để xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong việc xây dựng nguồn nhân lực. “Nói một cách đơn giản, công ty không thể lớn mạnh nếu thiếu lực lượng lao động có kỹ năng và bền vững”, bà Uyên Hồ cho biết thêm.

Ông Jeffrey Goss, Phó Hiệu trưởng phụ trách các Chương trình tại Đông Nam Á, Trường Đại học Bang Arizona cho biết: Với việc ước tính có khoảng 80% trong số 54 triệu lao động tại Việt Nam không có các kỹ năng phù hợp để tham gia nền kinh tế số thì điều quan trọng là chúng ta phải xác định nhu cầu và tạo ra được các mô hình phù hợp nhưng phải mang tính đổi mới trong giáo dục và đào tạo. Việc tổng hợp các góc nhìn khác nhau có thể giúp thúc đẩy sự đổi mới theo một định hướng có sự phối hợp, có được thông tin đầy đủ, và mang tính tiến bộ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng chia sẻ: Trong hơn 20 năm qua, từ một thành phố nhỏ bé với nền kinh tế có quy mô nhỏ, thì đến nay Đà Nẵng đã trở thành một đô thị được nhiều người biết đến trên bản đồ thế giới. Có được kết quả này là nhờ những chính sách và định hướng phát triển của TP. Đà Nẵng trong thời gian qua.

Tuy nhiên, trong điều kiện phát triển công nghệ tương lai, chúng tôi nhận thấy rằng nếu vẫn phát triển theo cách làm cũ thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu. Do đó những năm qua, Thành phố đã đưa một lực lượng lao động đi đào tạo, tiếp thu công nghệ tiên tiến từ nước ngoài rồi trở về để phát triển Thành phố. Thời gian tới, chúng tôi quyết tâm chuyển hướng đầu tư theo hướng dựa vào nguồn nhân lực tại chỗ.

“Trong 15 - 30 năm tới, Đà Nẵng xác định kinh tế số là một trong 5 ngành kinh tế mũi nhọn và lấy công nghệ cao để phát triển ngành kinh tế số”, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhấn mạnh.

STEM là thuật ngữ dùng để chỉ các ngành học về Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học.

STEMCON Việt Nam là diễn đàn để lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học, các nhà đổi mới, nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục, và lãnh đạo các doanh nghiệp cùng ngồi lại và chia sẻ các ý tưởng về cách thức nâng cao năng lực STEM của Việt Nam. STEMCON Việt Nam khởi nguồn cách đây 7 năm từ Chương trình hợp tác giáo dục Đại học ngành Kỹ thuật (Higher Engineering Education Alliance Program - HEEAP), một dự án ban đầu được Intel Products Việt Nam và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ./.

Lưu Hương

Cổng thông tin điện tử Chính phủ