Đào tạo nhân lực cho du lịch từ nhu cầu DN và xã hội
Cập nhật ngày:13/04/2019 - 10:36:00

Để đạt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa trong năm 2019 cũng như tạo tiền đề để du lịch Việt Nam phát triển nhanh, mạnh hơn nữa thì chất lượng nguồn nhân lực đã trở thành vấn đề trọng tâm mà ngành du lịch cần tập trung giải quyết.

GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen

Trong khuôn khổ  Diễn đàn “Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam 2019” do UBND TPHCM và Đại học Hoa Sen tổ chức ngày 12/4 tại TPHCM, GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen đã trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ xoay quanh những vấn đề đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo bà Mai Hồng Quỳ, trong năm 2018, ngành du lịch nước ta đã đón 15,6 triệu khách quốc tế, phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa và tổng doanh thu từ du lịch đạt 620.000 tỷ đồng.

Nếu như năm 2013 chúng ta xếp ở vị trí 80/140 quốc gia thì con số này đã được rút dần theo các năm 75/136 (2015) và 67/136 (2017) và theo đánh giá của World Economic Forum, Việt Nam trở thành 10 quốc gia có sự hấp dẫn và thu hút du khách lớn nhất trên thế giới.

Để có được sự tăng trưởng mạnh mẽ cho du lịch trong những năm vừa qua, bên cạnh sự cố gắng vươn lên khẳng định mình của các doanh nghiệp trong ngành du lịch còn có sự nỗ lực của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định và xây dựng các chính sách vĩ mô để thúc đẩy và tạo đà cho hoạt động của ngành du lịch.

Hiện nay cả nước có đến 108 cơ sở đại học và cao đẳng (ĐH, CĐ) đào tạo ngành du lịch, trong số đó, số lượng các trường ĐH tổ chức đào tạo ngành du lịch riêng biệt là 64, chiếm 59,26% (có khoa hay bộ môn, và đào tạo theo 4 mã ngành du lịch) và đến năm 2019 có 3 trường, chiếm 2,78% trường đại học không còn tuyển sinh ngành du lịch. Như vậy, nếu trung bình mỗi trường ĐH, CĐ đào tạo khoảng 300 sinh viên/1 năm và giả sử 100% đều tốt nghiệp, toàn quốc sẽ đào tạo được khoảng xấp xỉ gần 30.000 nhân lực có tiềm năng là nhân lực chất lượng cao.

Từ góc nhìn của một trong các trường ĐH đào tạo nhân lực du lịch, ĐH Hoa Sen đã đưa ra những kiến nghị và giải pháp để tập trung đào tạo nguồn nhân lực cao cho ngành du lịch.

Theo GS.TS Mai Hồng Quỳ, chất lượng nguồn nhân lực cao có điều kiện “cần” đầu tiên là có trình độ từ đại học trở lên. Tiếp đến, trong xu thế mới của thời đại về chất lượng nguồn nhân lực thì nguồn nhân lực chất lượng cao phải đáp ứng chuẩn quốc tế, tức là nguồn nhân lực đó được kiểm định và đánh giá bởi các cơ quan kiểm định quốc tế. Đây chính là điều kiện đủ của yêu cầu về chất lượng cao nguồn nhân lực.

Đặc biệt, nguồn nhân lực chất lượng cao phải đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Do vậy, đối với các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch phải bắt đầu từ nhu cầu doanh nghiệp và xã hội.

Bên cạnh đó, yêu cầu về trình độ ngoại ngữ chuyên ngành, đa ngành (một chỉ tiêu không chỉ cần có mà phải giỏi đối với nhân lực trong ngành du lịch) cũng rất quan trọng để đánh giá năng lực của lao động du lịch. Bởi vì nhân lực du lịch không chỉ đơn thuần hướng dẫn du khách trong vấn đề đi lại, ăn ở, tham quan mà còn phải có những sự hiểu biết về văn hóa, thẩm mỹ, lịch sử… Do đó, trong quá trình đào tạo sinh viên du lịch, những trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực sẽ có lợi thế hơn hẳn.

Riêng đối với công tác đào tạo trong trường ĐH, từ thực tế và kinh nghiệm triển khai của ĐH Hoa Sen trong thời gian qua, theo GS.TS Mai Hồng Quỳ, các trường ĐH cần triển khai đào tạo trực tuyến đối với các nội dung có thể học trực tuyến như thông tin về các nền văn hoá, đặc điểm tâm lý du khách các nước, các mô hình bài trí, và các môn thuộc khối kiến thức cơ sở và kiến thức ngành chính; kết hợp đào tạo với các nước tiên tiến có sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy, cấp bằng bởi hai bên, học một nửa thời gian trong nước và một nửa thời gian ở nước ngoài, thực tập tại các doanh nghiệp nước ngoài.

Đồng thời, mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp lớn và các trường đào tạo du lịch quốc tế để sinh viên có cơ hội thực hành, thực tập hiệu quả hơn.

Ở tầm vĩ mô, ĐH Hoa Sen cũng đã kiến nghị tại các báo cáo ở diễn đàn như trong hoạch định chính sách và triển khai, cần đưa các chỉ số đào tạo nhân lực (thành phần quan trọng nhất trong xây dựng chiến lược, kế hoạch triển khai và theo dõi phát triển du lịch cả nước, và địa phương); các Sở Du lịch cần phối hợp với các trường ĐH triển khai chiến lược đào tạo cán bộ quản lý địa phương, đặc biệt các đia phương tâp trung phát triển kinh tế du lịch. Cần cơ chế đặc biệt trong yêu cầu về bằng cấp cao (như tiến sĩ) của giảng viên trong phát triển đào tạo ở cấp độ đại học và cao học; các trường đại học khi mở ngành đào tạo du lịch, cần xác định rõ chiến lược đào tạo, phân khúc ngành nghề, chức danh nghề để phát triển chương trình và phương pháp đào tạo phù hợp; các trường đại học có đào tạo nhân lực du lịch cần có sự hợp tác chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong đào tạo.

Minh Thi

Cổng thông tin điện tử Chính phủ