Đối với mọi quốc gia, nhân lực không chỉ là nhân tố quyết định nhất đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, mà sự phát triển của quốc gia còn được đo bằng chính bản thân mức độ phát triển của nguồn nhân lực. Vì vậy, các quốc gia trên thế giới đều rất coi trọng phát triển nguồn nhân lực, tăng cường “tài sản hóa” nguồn nhân lực. Trong thế kỷ XX, đã có những quốc gia nghèo tài nguyên thiên nhiên, nhưng do biết cách phát huy tốt nguồn nhân lực nên đã đạt được thành tích phát triển kinh tế cao, nhanh chóng hoàn thành công cuộc công nghiệp hóa chỉ trong vài ba thập kỷ.
Đảng ta trong quá trình lãnh đạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã kế thừa và phát huy truyền thống coi trọng hiền tài, phát triển nhân lực của ông cha, luôn khẳng định rõ quan điểm coi con người là trung tâm của sự phát triển. Quan điểm này được nhấn mạnh thêm một lần nữa trong “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020”, đó là: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” là một trong ba khâu đột phá nhằm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Để khởi động cho chương trình phát triển nhân lực trên phạm vi toàn quốc, ngày 19 tháng 4 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 579/QĐ-TTg về Phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020 làm tiền đề, định hướng chủ đạo để xây dựng Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và Quy hoạch phát triển nhân lực của các Bộ, ngành và địa phương trên cả nước qua đó nhằm đào tạo đội ngũ nhân lực Việt Nam có trình độ, cơ cấu ngành nghề và vùng miền hợp lý, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...